Năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Việt Nam cũng đang đề nghị phía Nhật Bản sớm cấp phép nhập khẩu nhãn tươi Việt Nam trong 2022 này. Xuất khẩu trái cây thêm nhiều cơ hội từ thị trường nhập khẩu nếu đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát mã số vùng trồng và không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Công Thương: Mở rộng cơ hội xuất khẩu cho trái nhãn Việt Nam
Mở cách cửa cho trái cây Việt
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Kết nối cung cầu cây ăn trái” diễn ra mới đây, ông Lê Văn Thiệt – Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) – cho biết, nếu không do Covid-19, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng. Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với ba loại nông sản nêu trên. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Hiện đã có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước đó, ngày 24/11/2021, bên lề chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 22-25/11/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Nisaka Yoshinobu, Thống đốc tỉnh Wakayama (Nhật Bản). Tại buổi tiếp và làm việc Thống đốc Nisaka Yoshinobu khẳng định, Wakayama sẽ ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ để Nhật Bản sớm cấp phép nhập khẩu quả nhãn tươi của Việt Nam trong năm 2022.
Đồng thời cho biết, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Wakayama và Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chuẩn bị bước vào thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đầu năm 2022.
Nếu sớm được cấp phép xuất khẩu sang Nhật, nhãn sẽ là loại trái cây có triển vọng gia tăng xuất khẩu như vải thiều. Tuy nhiên, quá trình đàm phán mở cửa một thị trường nổi tiếng khó tính với tiêu chuẩn cao như Nhật Bản cho một loại trái cây tươi của Việt Nam chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của hai nước.Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam tại Nhật Bản (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể. Hiện nay, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô hoặc đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát… Trước đó, loại quả cùng họ với quả nhãn, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức kể từ tháng 12/2019.
Mã số vùng trồng là điều kiện số 1 để xuất khẩu
Hiện nay thị trường về cây ăn quả trên toàn thế giới đang được mở rộng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Do vậy giá trị thương mại của cây ăn quả rất cao, khoảng 200 tỷ USD/năm. Trong đó, quả xoài chiếm khoảng 12,3 tỷ USD, sầu riêng chiếm 50 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn để các vùng, địa phương có lợi thế phát triển cây ăn quả của Việt Nam cũng như của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Bên cạnh việc khai thông thị trường cho trái cây Việt, vẫn còn rất nhiều những trở ngại, khó khăn trong việc khai thác và mở rộng thị trường cây ăn quả. Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – cho rằng, việc thiếu liên kết vùng để khai thác 22 chủng loại cây ăn quả theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương, bên cạnh đó, người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất nên gặp khó khăn trong liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm cây ăn quả.
Nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cây ăn quả, ông Lê Quốc Điền cho rằng, cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường và phân khúc dự báo từng dòng sản phẩm cây ăn quả. Bên cạnh đó, cần nâng cao chuỗi giá trị theo phân khúc thị trường với từng chủng loại cây ăn quả. Đặc biệt cần kết nối các hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng nhận diện được chất lượng của các loại cây ăn trái. “Cục Trồng trọt và các địa phương cần quy hoạch lại từng chủng loại cây ăn quả theo nhu cầu thị trường; nâng cấp chuỗi sản phẩm cây ăn quả theo nhu cầu thị trường”, ông Lê Quốc Điền kiến nghị.
Theo kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp, nếu các đơn vị muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản cần được sản xuất theo một quy trình đồng nhất. Đại diện Công ty Đại Thuận Thiên nêu vấn đề, hiện nay người dân cũng như các HTX đang gặp khó khăn trong việc sản xuất một quy trình đồng nhất, các xã viên chưa có liên kết với nhau. Trong khi các doanh nghiệp rất cần những quy mô vùng sản xuất lớn với một quy trình được thống nhất. Đã có trường hợp doanh nghiệp đã có cam kết với người dân nhưng khi sản phẩm xuất khẩu sang các nước vẫn bị kiểm tra quy trình sản xuất. Nếu người dân và các HTX thực hiện đúng việc đồng nhất quy trình sản xuất, doanh nghiệp hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh được những sản phẩm trái cây chất lượng đó tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.
Theo ông Lê Văn Thiện, nông sản, trái cây muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hay sang thị trường Trung Quốc đều cần mã số vùng trồng, đóng gói và không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc vượt quá mức hạn định. Do đó, nếu có chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mạnh mẽ hơn khi vươn ra thị trường quốc tế.
“Hai tiêu chuẩn 774 và 775 được áp dụng để kiểm soát mã số vùng trồng và đóng gói, chúng tôi đã cung cấp đến 63 tỉnh thành. Các thị trường hiện không cần đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP mà yêu cầu kiểm soát mã số, và khi đóng gói xuất khẩu thì không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép, hoặc vượt quá hạn định”, ông Lê Văn Thiện nhấn mạnh và cho biết hiện Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với nhiều đơn vị để kiểm tra độ phủ của thuốc dạng bột, dạng nước, dạng hạt, trên hoa trái, áp dụng phương pháp dùng máy bay không người lái.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng và những yếu tố tiên quyết để mở rộng cách cửa xuất khẩu cho trái cây Việt. Do đó, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, với nông dân trong đó, Sở NN&PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật cũng có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho nông dân.
Nguyễn Hạnh