Muốn thâm nhập sâu hơn nữa thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp trong nước không thể xuất khẩu những sản phẩm sẵn có mà cần nghiên cứu sản xuất loại hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản. Hơn nữa, bao bì cũng cần bắt mắt, nhãn mác phải đầy đủ thông tin.
Người tiêu dùng Nhật Bản chọn mua hoa quả Việt Nam ở siêu thị AEON |
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp tại Việt Nam như vậy tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/4 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Tạ Đức Minh, Nhật Bản hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Từ năm 2012 đến năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng từ 24,7 tỷ USD lên 42,8 tỷ USD.
Hơn nữa, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đa dạng các mặt hàng; trong đó, có sản phẩm chế biến, chế tạo. Một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản.
Riêng với nông thủy sản, một số mặt hàng đã chiếm thị phần tại Nhật Bản; trong đó, chuối sấy khô chiếm 78,5%; vải, nhãn, chôm chôm 42,9%; sầu riêng 42,6%…
Thế nhưng, hầu hết là sản phẩm đóng hộp, sấy khô, sản phẩm tươi do hạn chế về năng lực bảo quản, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, thị phần của hàng Việt Nam còn hạn chế.
Ông Tạ Đức Minh cho biết thêm, hệ thống phân phối của Nhật Bản khá phức tạp với nhiều tầng bậc. Nhiều siêu thị, nhà bán buôn không nhập khẩu trực tiếp mà mua hàng thông qua các nhà cung ứng. Điều này trả lời cho câu hỏi tại sao không đưa hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.
Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Để trở thành nhà cung ứng cho những đối tác này, ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung về chất lượng sản phẩm còn phải đáp ứng tiêu chuẩn riêng của đối tác.
Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, dù kinh doanh tại Nhật Bản được nhận định có độ an toàn cao hơn so với các thị trường khác nhưng tại phiên tư vấn nên việc xác minh thông tin đối tác là rất cần thiết.
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh doanh nghiệp tại Nhật Bản không chỉ do người dân bản địa mà còn có người nước ngoài lấy pháp nhân Nhật Bản làm chủ nên về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định pháp luật của nước sở tại.
Mặt khác, xu hướng toàn cầu hóa, doanh nghiệp có thể hợp tác, cung cấp thông tin qua internet mà không cần gặp gỡ trực tiếp, do vậy độ rủi ro cao. Qua phương thức này, đối tượng lừa đảo thường cung cấp thiếu thông tin hoặc thông tin không đúng. Do đó, nếu cảm thấy không an toàn, doanh nghiệp nên xác minh đối tác.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm thực tế, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) cho hay, tỷ lệ xảy ra phát sinh trong hợp tác với đối tác Nhật Bản không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra.
Trường hợp doanh nghiệp trong nước chưa nắm rõ đối tác hoặc đơn hàng xuất khẩu lớn nên thông qua Thương vụ để xác minh thông tin, duy trì trao đổi để khi có sự cố được hỗ trợ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Theo bà Quyền Thị Thúy Hà, trong kết nối giao thương với đối tác Nhật Bản, ngôn ngữ là rào cản nhất định với doanh nghiệp Việt Nam, cần thiết phải khắc phục. Bên cạnh đó, khi xây dựng hồ sơ giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp nên sử dụng cả tiếng Nhật Bản, tiếng Anh để đối tác thuận lợi nắm được thông tin.
Doanh nghiệp cũng nên xây dựng website cung cấp thông tin về sản phẩm, quy mô doanh nghiệp, doanh thu, chứng chỉ tiêu chuẩn chất lượng. Bởi, đây là những yếu tố cơ bản nhất, đối tác Nhật Bản thường xuyên đề nghị cung cấp.
Đại diện Công ty Senkyu chia sẻ, doanh nghiệp hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp nếu nhà cung ứng không kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa ngay từ đầu vào, nhất là với nông sản.
Một yếu tố nữa, với các đơn hàng nhỏ, nhà cung ứng Việt Nam đáp ứng rất tốt nhưng khi có đơn hàng lớn, xuất hàng liên tục lại khó đảm bảo chất lượng nguồn hàng. Khi có vấn đề, chi phí thu hồi, xử lý hàng là rất lớn và dễ xảy ra tranh chấp.
Theo các chuyên gia, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Đặc biệt, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì vậy, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm.
Đáng lưu ý, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm từ nước ngoài, bao gồm cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê…
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, số lượng người dân đến từ các nước châu Á hiện đang sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, với số liệu thống kê khoảng gần 500.000 người trong năm 2021.
Do vậy hàng nông thủy sản-thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020.
Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như càphê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%…
Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải…
Đến nay, một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa… đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận; hay như sản phẩm càphê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK-chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo.
Cùng với sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng, người dân Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài.
Các sản phẩm nông thủy sản-thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản, như AEON, Donkihote, Itoyokado./.