Rủi ro lạm phát tăng cao khiến dòng tiền tìm đến thị trường hàng hóa
Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn đang len lỏi trong nền kinh tế toàn cầu, dòng tiền vẫn tấp nập chảy vào thị trường hàng hóa tuần qua, nâng mức giao dịch trung bình mỗi phiên tăng gần 20% so với tuần kết thúc ngày 13/05, ghi nhận đạt gần 7.200 tỷ đồng.
MXV-Index và GTGD
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những lo ngại về lạm phát mạnh nhất trong hàng thập kỷ, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư có tính chất 2 chiều như thị trường hàng hóa. Giao dịch T0, tính minh bạch và toàn cầu hóa cũng là những ưu điểm vượt trội của kênh đầu tư này.Theo ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), bên cạnh các giao dịch nhộn nhịp của nhóm nông sản và năng lượng như thường lệ, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và kim loại cũng rất thu hút sự chú ý của giới đầu tư thời gian gần đây. Riêng giá trị giao dịch của nhóm công nghiệp đã tăng gần 30% chỉ trong vòng một tuần, với tâm điểm của nhóm đến từ mặt hàng đường và cao su. Đồng thời, các mặt hàng kim loại công nghiệp như chì, quặng sắt, kẽm, nhôm còn ghi nhận mức tăng từ 5 – 6,5%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như mùa vụ, cung – cầu, chính sách mà diễn biến giữa các nhóm hàng sẽ chịu sự phân hóa. Thêm vào đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, tăng trưởng kinh tế thế giới đang chịu tổn thương bởi cú sốc chiến sự Nga – Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc có thể sẽ tác động tới giá hàng hóa ít nhất là đến hết năm nay.
Giá đường cao nhất một tháng qua, thị trường cao su hồi phục
Ở nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá đường thô và đường trắng cùng tăng hơn 4% trong tuần trước. Sức mạnh từ đồng Real Brazil và giá dầu hơn 110 USD/thùng đã hỗ trợ cho giá đường đạt đỉnh trong một tháng qua. Việc đồng Real mạnh hơn đồng Dollar Mỹ sẽ khuyến khích các nhà thương mại hạn chế xuất khẩu, làm hạn chế nguồn cung đường toàn cầu.
Tuy nhiên, mùa vụ thuận lợi của Ấn Độ và Thái Lan hiện nay đang là yếu tố rủi ro tiềm ẩn có thể khiến giá đường mất lực đỡ trong thời gian tới. Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) báo cáo, sản lượng đường niên vụ 2021/22 của Ấn Độ trong giai đoạn từ 1/10/2021 – 15/05/2022 tăng 14,4% so với cùng kỳ lên 34,88 triệu tấn. Quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới cũng dự báo xuất khẩu đường niên vụ 2021/22 có thể tăng lên mức kỷ lục 9 triệu tấn. Trong khi Thái Lan, nước xuất khẩu đường thứ hai thế giới có thể đạt 7 triệu tấn.
Trên thị trường Việt Nam, sản lượng ép mía vụ 2021/22 có cải thiện nhẹ so với vụ trước, đạt hơn 6,4 triệu tấn mía và 662.530 tấn đường tính đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, giá đường không cải thiện nhiều do nguồn cung dồi dào, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
VSSA cũng cho rằng, dưới ảnh hưởng giá đường quốc tế và cước vận chuyển tăng do tăng giá nhiên liệu, đường nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN và nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào dù đã phải điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất đường từ mía nên vẫn chiếm ưu thế thị trường.
Giá đường Việt Nam so với khu vực
Đối với mặt hàng cao su, giá mặt hàng này ở Nhật Bản và Thái Lan đã ghi nhận sự phục hồi từ đầu tháng 5. Nhưng riêng ở Trung Quốc, giới chức của nước này tiến hành phong toả nhiều khu vực để ngăn chặn dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu và giá cả đối với cao su. Hiện, giá cao su Thượng Hải đã phục hồi nhẹ về 13.000 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.942 USD/tấn) trong nửa cuối tháng 5, nhưng vẫn dưới mức đỉnh hồi đầu tháng 4.
Ở Việt Nam, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở Bình Phước giao dịch trong khoảng 310 – 350 đồng/độ mủ, đi ngang trong tháng 5 và giảm nhẹ so với hồi tháng 4 do nhu cầu cao su tại Trung Quốc sụt giảm.
Trung Quốc hạ lãi suất tham chiếu đẩy giá kim loại cơ bản “lên ngôi”
Mặc dù dòng tiền chảy vào nhóm kim loại không tăng mạnh như nguyên liệu công nghiệp nhưng giá các mặt hàng này lại khởi sắc bất ngờ.
Giá vàng đã tăng 34,5 USD trong tuần qua lên mức 1.845,68 USD/ounce khi đồng Dollar Mỹ suy yếu. Tương tự, giá bạc cũng tăng 3,2% lên 21,67 USD/ounce. Đáng chú ý, nhóm kim loại công nghiệp chứng kiến mức tăng ấn tượng với giá nhôm tăng 6,5% lên mức 2.969,5 USD/tấn, giá quặng sắt chỉ trong hai phiên xanh liên tiếp cuối tuần đã đẩy mức tăng cả tuần lên 5,6%, đạt 134,07 USD/tấn.
Nhóm các mặt hàng tăng mạnh nhất
Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng đầu các kim loại công nghiệp. Do đó, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) công bố cắt giảm lãi suất một số khoản vay dài hạn và hạn chế kho dự trữ nguyên liệu sản xuất thép vào ngày 20/5 đã đẩy giá các mặt hàng này tăng rất mạnh.
Cụ thể, lãi suất cơ bản đối với khoản vay kỳ hạn 5 năm (dùng để tham chiếu cho các khoản vay thế chấp mua nhà) được giảm 15 điểm cơ bản, từ 4,6% xuống 4,45%, đánh dấu lần hạ lãi suất mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc thay đổi cơ chế lãi suất vào năm 2019. Động thái này của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt gánh nặng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Tuy nhiên, MXV cho rằng, do cung cầu nội địa còn yếu nên tính chung cho cả tuần trước, giá quặng sắt và thép thành phẩm của Trung Quốc đều sụt giảm. Giá quặng đường biển chỉ ở mức 126 USD/tấn, thấp hơn giá quặng giao ngay trong nước là 141 USD/tấn.
Điều này là do biên lợi nhuận bán thép thành phẩm sụt giảm nên các nhà máy nội địa chưa tích cực với việc thu mua quặng sắt, kết hợp với chính sách “Zero Covid” khiến việc xuất nhập khẩu gặp khó khăn hơn. Giá thép thanh ở Quảng Châu giảm mạnh nhất khoảng 25 USD/tấn trong tuần qua xuống 735 USD/tấn. Giá thép tấm cũng giảm gần 10 USD xuống 780 USD/tấn.
Trên thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá thép hai lần chỉ trong một tuần khi giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá thép thanh dao động khoảng 17 – 18 triệu đồng/tấn hiện nay vẫn cao hơn so với hồi đầu năm khoảng 9%.
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam