Chiều ngày 13/10 vừa qua, tại khách sạn Sunrise, tỉnh Tây Ninh Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương phối hợp Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XII – 2022.
Hội nghị do ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Sở, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công, Trung tâm và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp của 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Hội nghị đã nghe đại diện Cục Công Thương địa phương thông qua báo cáo tóm tắt kết quả công tác Khuyến công năm 2021, 9 tháng đầu năm 2022, các nhiệm vụ giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khuyến công các tỉnh khu vực phía Nam: Năm 2021 do tình hỉnh dịch Covid-19 nên đã cắt giảm và thực hiện đạt 50% kinh phí nhiệm vụ khuyến công năm 2021 theo kế hoạch, 09 tháng đầu năm 2022 thực hiện đạt 37,6% kế hoạch năm 2022. Riêng đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2023 đến nay chỉ có 04/20 tỉnh, thành phía Nam đăng ký.
Tham gia hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tham gia tham luận nhiều ý kiến. Các ý kiến tham gia tập trung vào các nội dung như: Giải pháp hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19; giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến công; vai trò công tác khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với sự phát triển của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn…
Kết luận hội nghị, ông Ngô Quang Trung đã ghi nhận những thành tích đạt được của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng thời chỉ ra những hạn chế của khu vực trong thực hiện chương trình khuyến công. Để hoàn thành kế hoạch năm 2022, ông Ngô Quang Trung cho rằng, để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2022 cần thiết phải đổi mới và đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, cụ thể:
Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; Nghị quyết số 19-NQ/TW an Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó công tác khuyến công lần đầu tiên được cụ thể hóa nội dung về đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.
Sở Công Thương xác định rõ vai trò, chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương, để việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công. Cần kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện.
Củng cố vai trò và tăng cường, xây dựng phát triển hệ thống mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã, tăng về số lượng và nâng cao về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động khuyến công.
Tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2023; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.
Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023, xây dựng các đề án điểm tạo hiệu ứng lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương; thúc đẩy liên kết tỉnh, liên kết vùng, tạo sự gắn kết để cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường trao đổi, chia sẻ, đồng thuận về quan điểm dựa trên phân tích các lợi thế so sánh và những yếu tố cần thiết.
Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp qua các phương tiện truyền thông truyền thống và trên các nền tảng số đảm bảo kiểm soát thông tin nhằm truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công.
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sự nghiệp đang dần chuyển hướng, từng bước tự chủ về kinh phí hoạt động, các địa phương cần tìm và giải quyết điểm nghẽn để đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động linh hoạt để tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng đã biểu dương và ghi nhận các đóng góp của các nguyên lãnh đạo các Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nghỉ hưu từ tháng 6/2020 đến nay.
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương Tây Ninh đã trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIII – 2023 cho lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Cục Công Thương địa phương và toàn thể Hội nghị.