Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch 23/10, giá cà phê Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên cao nhất trong 4 tháng. Giá Arabica cũng tăng thêm 0,36%, vẫn ở mức giá cao nhất trong hơn hai tháng. Lo ngại về khả năng xuất khẩu cà phê đang là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Cà phê giao dịch trên các Sở Giao dịch hàng hoá là cà phê kỳ hạn. Đây là thị trường tài chính phái sinh có tính thanh khoản cao (cùng với vàng, dầu thô) nên rất nhạy bén, bên cạnh các yếu tố cơ bản nội tại của mặt hàng chi phối. Trong bối cảnh lo ngại rủi ro tăng cao vì cuộc chiến ở Trung Đông, dòng tiền đầu cơ mới ồ ạt chảy vào các sàn hàng hóa nói chung, trong đó có cà phê.
Mưa dự kiến tiếp tục lan rộng tại khu vực phía Nam và Đông Nam của Brazil, hoạt động vận chuyển cà phê của nông dân có thể khó khăn hơn. Điều này tạo tâm lý hoang mang và lo ngại về việc hạn chế xuất khẩu tại Brazil. Bên cạnh đó, nguồn cung tại Việt Nam càng khan hiếm hơn khi cà phê vụ cũ đã hết mà vụ mới chưa sẵn sàng để cung ứng cũng tạo áp lực cho hoạt động xuất khẩu.
Cập nhật đến hôm qua 23/10, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng với 421.424 bao loại 60kg. Trong khi đó, tổng lượng Robusta ghi nhận tại Sở ICE-EU là 35.860 tấn, thấp nhất trong 10 tuần và đang quay về vùng thấp lịch sử từng ghi nhận từ năm 2016.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ tăng mạnh 1.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 60.400 – 61.300 đồng/kg. Như vậy, sau ngày giảm sốc hơn 7.000 đồng/kg vào ngày 19/10, giá cà phê nội địa đã tăng liên tục 4 ngày. Tuy nhiên, tổng mức tăng vẫn chưa thể xoá hoàn toàn mức sụt giảm mạnh sau ngày điều chỉnh giảm sốc vừa qua. Mốc 70.000 đồng/kg kỷ lục của cà phê Việt Nam vẫn chưa quay lại.
Giá cà phê tăng cao là cơ hội lớn để xuất khẩu cà phê có sự tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn vay.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản như vậy đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.
Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê nhấn mạnh, ngân hàng cần có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu, trong đó có cà phê.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, giá xuất khẩu cà phê tăng kéo theo giá cà phê trong nước tăng theo. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn với giá trị hơn 4,2 tỷ USD, kỷ lục mới trong xuất khẩu cà phê nhiều năm qua.
Bảo Ngọc
https://congthuong.vn