Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 tăng 44 USD, giao dịch tại 4.127 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 53 USD giao dịch tại 4.133 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 4,20 Cent, giao dịch tại 227,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 giảm 4,40 Cent, giao dịch tại 225,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Cà phê 2 sàn diễn biến trái chiều phiên đầu tuần. Arabica giảm do hợp đồng mua khống trên sàn nhiều, trong khi đó nguồn cung tiếp tục là mối lo, đẩy Robusta tăng chưa có điểm dừng.
Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều, Robusta tiếp tục tăng mạnh, Arabica quay đầu giảm. Giá cà phê trong nước liên tiếp tăng mạnh từ 2.500 đồng – 3.500 đồng/kg, hướng tới mốc 130.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch trong khoảng từ 125.000 – 127.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên đồng loạt tăng, tiến sát đến mốc 130.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 127.000 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 1.000 đồng/kg lên mức 126.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 128.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 128.000 đồng/kg.
Nguồn cung cà phê được dự báo tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới, khi nguồn cà phê từ Việt Nam giảm mạnh, trong khi tới tháng 7, Brazil mới vào vụ thu hoạch mới. Trong khi đó, cà phê Indonesia chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa, nguồn hàng xuất khẩu không nhiều. Nông dân tại Indonesia còn có thể hoãn thu hoạch cà phê đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6, thay vì tháng 4 như hàng năm; càng khiến nguồn cung hiện tại thu hẹp, từ đó thúc đẩy giá Robusta tăng mạnh. Do đó, các nhà rang xay trên thế giới vẫn trông chờ chủ yếu vào nguồn hàng từ Việt Nam.
Có thể thấy, nếu đầu năm, giá cà phê chỉ neo ở mức 70.000 đồng/kg nhưng tới nay đã tăng nóng lên 124.000 đồng. Mức này gấp 3, 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước tới nay.
Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung được dự báo giảm mạnh. Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2023/24 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn.
Các nhà rang xay và giới đầu tư lo lắng những diễn biến ở khu vực Trung Đông có thể làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển cà phê từ châu Á sang châu Âu. Vấn đề này đã xảy ra hồi đầu năm nay khi căng thẳng Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu nền giá cao tiếp tục như hiện nay, các nhà rang xay không sớm thì muộn sẽ rơi vào cảnh vỡ trận kế hoạch sản xuất. Trong một năm qua, giá cà phê tăng 250%, kế hoạch sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp đã bị phá vỡ.
Giá cà phê tăng cao là điều đáng mừng cho người trồng cà phê Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… việc giá tăng nhanh và quá cao cũng đang gây ra nhiều thách thức.
Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá cà phê thu mua trong nước chỉ ở quanh mức 50.000 đồng/kg thì hiện đã tăng gấp đôi lên trên 120.000 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô tăng cao kỉ lục lên mức 125.000 – 127.000 đồng/kg đang khiến nhiều công ty không mua được nguyên liệu hoặc buộc phải gồng lỗ, mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho các đối tác đã ký kết từ trước.
Niên vụ cà phê 2022 – 2023, Việt Nam phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4/2024 đạt 80.781 tấn, giảm 20,7% so với cùng kỳ tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch đạt gần 306,3 triệu USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ trước trước, nhưng tăng mạnh 54,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia dự đoán, đà tăng của cà phê có thể tiếp diễn trong tuần này, bởi nguồn cung từ Việt Nam đang rất thấp.
Áp lực tăng giá đang đè nặng các doanh nghiệp. Nếu không tăng giá càng sản xuất càng lỗ, nhưng giá tăng quá cao sẽ mất bạn hàng, giảm sản lượng.
Ngọc Ngân
https://congthuong.vn