Thông tin trên được ông Phạm Quang Hợi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Chuyển dịch cơ cấu Kinh tế Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và phòng chống dịch.
Theo ông Hợi, “Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023” lần đầu tiên được tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại TP. Hồ Chí Minh và 38 tỉnh, thành thuộc các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.
Tuần lễ có 439 doanh nghiệp, với gần 1.200 sản phẩm tham gia, riêng sản phẩm OCOP có 756 sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP với 80 sản phẩm tham gia, riêng sản phẩm OCOP có 59 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao.
Theo Ban tổ chức, tuần lễ là cơ hội, điều kiện để sản phẩm OCOP của nông dân vươn xa hơn, giúp các đơn vị, doanh nghiệp kết nối hiệu quả các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với các kênh xúc tiến thương mại tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và quốc tế. Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới và giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nông dân nghèo từ khắp các vùng trong cả nước.
Cùng với đó, trong khuôn khổ tuần lễ còn diễn ra các hoạt động hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; tạo điều kiện doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành tìm hiểu, đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến sâu các sản phấm nông nghiệp đặc thù của 38 tỉnh, thành. Qua đó, khẳng định vai trò TP. Hồ Chí Minh là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể; trong đó, có 51 sản phẩm 5 sao. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Cụ thể, hơn 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân khoảng 17%/năm, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12%. Đặc biệt, các sản phẩm 5 sao tăng doanh thu 20 – 30%. Nhiều sản phẩm OCOP được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là quà tặng cho các nguyên thủ và khách quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế.