Kể từ năm 2004 đến nay, Liên minh châu Âu luôn là khu vực kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ.
Tính đến cuối năm 2019, với 27 thị trường thành viên, dân số trên 446 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới gần 14 nghìn tỷ Euro, tổng mức thương mại hàng hóa đạt 4,07 nghìn tỷ Euro (không bao gồm thương mại nội khối), chiếm khoảng 15% thị phần thương mại thế giới và đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm, có thể nói EU hiện là khu vực thị trường rộng lớn và tiềm năng nhất trong trao đổi thương mại với các quốc gia trên thế giới.
Tập quán tiêu dùng: EU gồm 27 quốc gia, mỗi quốc gia có một đặc điểm tiêu dùng riêng do đó có thể thấy rằng thị trường EU có nhu cầu rất đa dạng và phong phú về hàng hoá. Tuy có những khác biệt nhất định về tập quán và thị trường tiêu dùng giữa các thị trường quốc gia trong EU nhưng hầu hết các quốc gia này đều nằm trong khu vực Tây và Bắc Âu nên có những đặc điểm tương đồng về kinh tế và văn hoá. Trình độ phát triển kinh tế xã hội của các thành viên là khá đồng đều cho nên người dân thuộc khối EU có đặc điểm chung về sở thích, thói quen tiêu dùng. Hàng hoá được nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã, vệ sinh an toàn cao. Người tiêu dùng châu Âu thường có sở thích và thói quen sử dụng các sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới vì họ cho rằng những nhãn hiệu nổi tiếng này gắn với chất lượng sản phẩm và có uy tín lâu đời, cho nên dùng những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng sẽ rất an toàn về chất lượng và an tâm cho người sử dụng. Nhu cầu tiêu dùng của người dân EU cũng có sự biến động qua các năm. Theo số liệu thống kê của Eurostat, trong giai đoạn 10 năm từ 2009 – 2019, tổng chi cho tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của 27 quốc gia EU đã tăng 10,8%.
Trong năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 phần nào đã làm thay đổi chính sách của các nước cũng như thói quen tiêu dùng của người dân EU, khiến người tiêu dùng EU đòi hỏi cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân hạn chế mua sắm những mặt hàng xa xỉ mà tập trung vào sản phẩm thiết yếu. Đặc biệt, họ ưu tiên mua sản phẩm trong khối EU để yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa. Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng của EU Đặc điểm nổi bật của thị trường EU là quyền lợi của người tiêu dùng rất được bảo vệ. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, chính quyền EU thường xuyên tiến hành kiểm tra các sản phẩm ngay từ nơi sản xuất và có hệ thống cảnh báo giữa các thành viên, đồng thời bãi bỏ việc kiểm tra các sản phẩm ở biên giới. Hiện Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) của Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm về kiểm soát an toàn thực phẩm của châu Âu. Trong khi đó, CENELEC, CEN và ETSI là 3 cơ quan tiêu chuẩn hoá của Châu Âu được coi là đủ năng lực trong việc tiêu chuẩn hoá kỹ thuật. Ba cơ quan này đã đưa ra các tiêu chuẩn của EU trong từng lĩnh vực riêng biệt và tạo ra “hệ thống tiêu chuẩn hoá châu Âu”. Tất cả các sản phẩm chỉ có thể bán được ở thị trường EU với điều kiện phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn chung của EU, các luật và định chuẩn quốc gia được sử dụng chủ yếu để cấm buôn bán sản phẩm được sản xuất ra từ các nước có điều kiện chưa đạt mức an toàn ngang với tiêu chuẩn EU. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, EU tích cực tham gia chống nạn hàng giả bằng cách không cho nhập khẩu những sản phẩm đánh cắp bản quyền, ngoài ra EU còn đưa ra các chỉ thị kiểm soát từng nhóm hàng cụ thể về chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng. Chính sách thương mại của EU EU áp dụng chính sách thương mại chung cho tất cả các quốc gia thành viên, trên cấp độ EU chứ không phải ở cấp quốc gia. Đây được coi là công cụ trung tâm để EU đối phó với những thách thức do toàn cầu hóa tạo ra và biến các tiềm năng của tiến trình này thành lợi ích thực sự. Điều này cho phép EU gia tăng trọng lượng của mình trong các cuộc đàm phán song phương cũng như tại các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mục tiêu chính của chính sách thương mại châu Âu là tăng cơ hội giao thương cho các công ty châu Âu nhờ vào việc loại bỏ các rào cản thương mại (như thuế quan và hạn ngạch) và bằng cách đảm bảo cạnh tranh công bằng. Trong đó, đối với chính sách thương mại nội khối, EU tập trung vào việc xây dựng và vận hành thị trường chung châu Âu nhằm xoá bỏ việc kiểm soát biên giới, lãnh thổ quốc gia, biên giới hải quan để tự do lưu thông hàng hoá, sức lao động, dịch vụ và vốn, điều hoà các chính sách kinh tế xã hội của các nước thành viên. Chính sách ngoại thương được xây dựng trên nguyên tắc: Không phân biệt đối xử, minh bạch, có đi có lại và cạnh tranh công bằng. Đây là chính sách chủ đạo đối với kinh tế EU vì nó ảnh hưởng đến tăng trưởng và việc làm. Hơn 36 triệu việc làm tại EU phụ thuộc vào ngành xuất khẩu. Trung bình cứ 1 tỷ Euro xuất khẩu ra các thị trường ngoài EU sẽ tạo ra 13.000 việc làm cho người lao động trong khối. Chính sách thương mại là một thẩm quyền độc quyền của EU. Điều này có nghĩa là chính sách này được áp dụng thống nhất trên toàn EU chứ không phải là các quốc gia thành viên đơn lẻ. EU có quyền ban hành luật về các vấn đề thương mại và ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, theo điều 207 của Hiệp ước về chức năng của EU. Chính sách thương mại của EU bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, các phương diện thương mại của sở hữu trí tuệ (như bằng sáng chế) và mua sắm công. Chính sách này được cấu thành bởi ba yếu tố chính: Các hiệp định thương mại với các nước ngoài EU để mở ra thị trường mới và gia tăng cơ hội phát triển thương mại cho các công ty EU; Quy định thương mại nhằm bảo vệ các nhà sản xuất EU trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Quan hệ EU và WTO, nơi đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế. Các nước EU cũng là thành viên của tổ chức này, nhưng Ủy ban châu Âu là người đàm phán thay mặt họ. Về vấn đề hiệp định thương mại, các hiệp định thương mại được đàm phán với các quốc gia ngoài EU để đảm bảo cơ hội giao dịch tốt nhất. Trọng tâm của tất cả các thỏa thuận là giảm các rào cản về thương mại và đảm bảo đầu tư. Có ba loại hiệp định thương mại: Hiệp định hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển (vùng Caribbean, Thái Bình Dương và châu Phi); Hiệp định thương mại tự do với các nước phát triển; Hiệp định liên kết tăng cường các thỏa thuận chính trị lớn hơn, ví dụ như Liên minh Địa Trung Hải. Các biện pháp phòng vệ thương mại của EU EU đưa ra các chính sách về thương mại với mục đích bảo vệ người dân châu Âu bằng cách đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu phải tôn trọng những quy tắc bảo vệ người tiêu dùng. EU cũng sử dụng chính sách thương mại của mình để thúc đẩy vấn đề nhân quyền, các tiêu chuẩn về xã hội và an ninh, tôn trọng môi trường và phát triển bền vững. Liên quan đến quy định về bảo hộ đầu tư, EU sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại dựa trên các quy tắc của WTO và có thể áp dụng thêm một số điều kiện bổ sung cho các quy tắc này để tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành công nghiệp EU trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại để bảo vệ ngành sản xuất của EU. Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc bán phá giá đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước ngoài EU. Bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân, hoặc bất kỳ các hiệp hội nào không có tư cách pháp nhân, đại diện cho ngành công nghiệp Liên minh đều có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu hoặc Tổng cục Thương mại bắt đầu một cuộc điều tra về phòng vệ thương mại (Quy định (EU) 2015/478).
Hiện EU sử dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại cơ bản bao gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến. Hoạt động đầu tư Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào EU được quy định chặt chẽ. Từ tháng 2/2019, các nhà hoạch định chính sách EU đã thông qua một cơ chế sàng lọc mới để đảm bảo rằng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược không gây tổn hại đến lợi ích và an ninh của châu Âu.
Thanh Tường
( Theo VCCI)