Bình Phước – Chưa khai thác triệt để giá trị từ quả điều

Bên cạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, ngành điều cần nghiên cứu công nghệ chế biến để khai thác triệt để giá trị từ quả điều, từ nhân cho tới thịt quả.

Những nghịch lý của ngành điều

Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam với diện tích hơn 152.000ha, sản lượng 170.000 tấn/năm, chiếm gần 50% diện tích và sản lượng điều cả nước. Trong đó, diện tích trồng điều của đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Phước khoảng 50.000ha.

Năng suất điều của Bình Phước cao do điều kiện tự nhiên phù hợp, đặc biệt tỉnh này đã đưa các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh giúp cây điều sinh trưởng, phát triển tốt.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cùng đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam tham quan các gian hàng giới thiệu về công nghệ chế biến điều tại một hội thảo mới đây. Ảnh: Trần Trung.

Chế biến điều là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của Bình Phước, mỗi năm đóng góp từ 27 – 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD. Sản phẩm hạt điều chế biến của Bình Phước hiện đã được xuất đi hơn 50 quốc gia. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

Ngoài chế biến điều nhân xuất khẩu, nhờ làm chủ công nghệ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp tại Bình Phước còn chuyển dần sang chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng. Toàn tỉnh hiện có 283 cơ sở chế biến sâu nhân hạt điều với 35 sản phẩm, mẫu mã phong phú, đa dạng, tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế như điều mật ong, điều rang tỏi ớt, điều rang muối, điều wasabi, điều phô mai, điều rang nước cốt dừa… Các sản phẩm này được xếp hạng OCOP 4 sao, 5 sao.

Bình Phước cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều. Hiện toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững.

Một trong những yếu tố giúp ngành điều Bình Phước khẳng định vị thế là quy tụ được nhiều doanh nghiệp, với công nghệ hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

Một trong những yếu tố giúp ngành điều Bình Phước khẳng định vị thế là quy tụ được nhiều doanh nghiệp, với công nghệ hiện đại. Ảnh: Trần Trung.

“Một trong những yếu tố dẫn tới sự thành công của ngành điều Bình Phước hôm nay là công nghệ chế biến, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế.

Nhờ có dây chuyền công nghệ liên tục đổi mới, các cơ sở chế biến điều đã hoàn thành hệ thống tiêu chí để được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm như BRC, ISO 22000, HACCP… Việc ứng dụng khoa học, công nghệ giúp doanh nghiệp chế biến điều gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và góp phần tăng thu ngân sách. Đây là đòn bẩy giúp ngành chế biến điều của Bình Phước phát triển, góp phần thúc đẩy xuất khẩu”, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định.

Cũng theo bà Minh, tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành điều của Bình Phước vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Các sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng còn thấp, sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn kém; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị còn yếu; chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ quốc tế cho cây điều vẫn chưa thực hiện được nhiều; kỹ thuật canh tác, chuyển giao giống điều vẫn còn những hạn chế nhất định…

Chia sẻ về những thách thức trong phát triển ngành điều Bình Phước, ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, ngành điều Việt Nam sau hơn 40 năm hình thành và phát triển đã có bước tiến dài: Từ chỗ mày mò học hỏi, đã trở thành nước làm chủ công nghệ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm tới hơn 75% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới. Trong tiến trình phát triển ấy, ngành điều Bình Phước đóng vai trò hết sức quan trọng, mang tính chủ đạo, đưa Bình Phước trở thành thủ phủ của ngành điều Việt Nam.

Hạt điều Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng đi theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra ở Bình Phước đó là hạt điều thu hoạch tại Bình Phước dù đã khẳng định được chất lượng với hương vị thơm ngon đặc biệt, đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho điều Bình Phước, tại Bình Phước cũng tập trung số lượng lớn các nhà máy chế biến…, thế nhưng những năm gần đây, diện tích và sản lượng điều thô thu hoạch được của Bình Phước có xu hướng giảm nhiều.

“Nguyên nhân và giải pháp chúng ta đã bàn và thực hiện nhiều nhưng chắc chắn rằng, để ngành điều Bình Phước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh của chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Điều Bình Phước thì phải khắc phục được nghịch lý này”, ông Nhựt nêu quan điểm.

“Một nghịch lý khác đang diễn ra trong ngành điều Việt Nam là lượng nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam để làm thêm một vài công đoạn rồi xuất khẩu tăng nhanh. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.

Giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều phát triển bền vững là phải đầu tư, chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng cuối cùng”, ông Bạch Khánh Nhựt trăn trở.

Còn lãng phí giá trị từ quả điều

Theo ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), ngành điều Bình Phước đang tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Năng suất thấp; khả năng cạnh tranh kém, giá cả không ổn định; diễn biến thời tiết bất thường dẫn đến việc người dân ít quan tâm đầu tư thâm canh để tăng năng suất; sản xuất điều manh mún, lại phân bố chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, nơi có cơ sở hạ còn yếu kém nên làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm; liên kết phát triển vùng nguyên liệu mới chỉ dừng lại ở các tổ hợp tác, hợp tác xã; chưa thực sự ứng dụng triệt để thành tựu khoa học kỹ thuật…

Dù đạt nhiều thành tựu, nhưng ngành điều của Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng. Ảnh: Trần Trung.

Để khắc phục những hạn chế trên, ngành điều Bình Phước cần tập trung chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, ưu tiên trên một số lĩnh vực như sản xuất và kiểm tra chất lượng giống, phân bón, bảo vệ thực vật; đưa công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất; chú trọng hơn nữa khâu bảo quản, chế biến sâu sản phẩm…

“Đặc biệt, cần áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch trong trồng trọt có hiệu quả đã được khẳng định; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống; kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng nguyên liệu nông sản”, ông Trần Công Khanh nhấn mạnh.

Về tiềm năng của sản phẩm chế biến từ quả điều Bình Phước theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, Thạc sỹ Dương Thị Ngọc Diệp (phụ trách Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, quả điều là một phụ phẩm trong ngành công nghiệp chế biến hạt điều mang lại giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là vitamin C cao gấp 5 – 10 lần cam chanh. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này lại chưa được tận dụng một cách triệt để.

Theo bà Diệp, các nghiên cứu trước đây nhìn chung còn riêng lẻ về từng quy trình chế biến các sản phẩm từ điều. Vì vậy, rất cần một quy trình nghiên cứu tổng thể với đầy đủ nội dung thông số cũng như kỹ thuật bảo quản, chế biến thịt quả điều. Việc tận dụng và đa dạng hoá các sản phẩm từ quả điều là cần thiết nhằm mục tiêu khai thác triệt giá trị từ quả điều, tránh lãng phí.

Ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất là một trong những giải pháp căn cơ ngành điều cần phải tập trung thực hiện ngay. Ảnh: Trần Trung.

“Cần ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất và xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần nâng cao giá trị sử dụng, đa dạng hóa các sản phẩm từ thịt quả điều nói riêng, hạt điều nhân nói chung. Qua đó giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và hướng đến phát triển bền vững ngành nông nghiệp của Bình Phước”, Thạc sỹ Diệp nhấn mạnh.

Chủ trương của các nước trồng điều ở châu Phi là phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sánh ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Đồng thời, với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế, đây là thực trạng đáng buồn, Chính phủ, Bộ, ngành cần nhìn nhận đa chiều và một cách khách quan để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục định vị hạt điều Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh.

Trần Trung

Nguồn: https://nongnghiep.vn/

91 / 5000 Kết quả dịch Chọn các trường sẽ được hiển thị. Những người khác sẽ bị ẩn. Kéo và thả để sắp xếp lại thứ tự.
  • Ảnh
  • Mã sản phẩm
  • Đánh giá
  • Giá
  • Tình trạng
  • Khả năng
  • Thêm vào giỏ
  • Mô tả
Nhấp vào bên ngoài để ẩn thanh so sánh
So sánh
Danh sách yêu thích 0
Trở về trang chủ Tiếp tục mua sắm