Trước những chiến lược di chuyển dòng vốn Nhật Bản vào Bình Phước như vậy, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn cần có thêm định hướng cụ thể việc phát triển mô hình này cùng với Nhật Bản, thống nhất quy hoạch chi tiết phân khu theo quan điểm phát triển của Nhật Bản, thu hút đầu tư theo tiến độ và phân khu chức năng, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện hạ tầng, xử lý môi trường và nguồn lực cung ứng bền vững cho các dự án thuộc mô hình nêu trên.
Đối với các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, việc lựa chọn dòng vốn Nhật Bản hay các dòng vốn khác là điều không dễ dàng, việc lựa chọn dòng vốn Nhật Bản theo mô hình Nhật càng không dễ do áp lực về quản lý theo tiêu chuẩn mới, áp lực về thu hồi vốn ngắn hạn, và niềm tin về một mô hình mà Nhật Bản đang triển khai ở nhiều nước và ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay cả về thị trường tiêu thụ sản phẩm lẫn thị trường bất động sản công nghiệp cho thuê thì những mô hình đề xuất trên của Nhật Bản đã khẳng định được giá trị bền vững và hướng đi cạnh tranh.
Trong khi việc lấp đầy quy mô đất hiện nay và thu hồi vốn ngắn hạn hiện tại chưa khẳng định hiệu quả cả về mặt kinh tế cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và hiệu quả kinh tế – xã hội tốt nhất cho địa phương. Sở Công Thương tỉnh Bình Phước liên tục cập nhật cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, mô hình Nhật Bản áp dụng phù hợp với khả năng của địa phương, cũng như khả năng kết nối và chia sẻ cơ hội hợp tác phát triển giữa Nhật Bản và Bình Phước đối với các ngành chế biến các sản phẩm gỗ địa phương và gỗ Nhật xuất khẩu; chế biến nông sản hạt điều, hạt tiêu xuất khẩu; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ./.